Hoạt động

Trẻ tự kỷ, dấu hiệu nhận biết trẻ Tự kỷ

12 Tháng Chín 2021          1544 lượt xem

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ là gì?

Rối loạn phổ tự kỷ Tự kỷ là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, khởi phát sớm từ khi trẻ trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài.

Biểu hiện chung của  tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Bên cạnh đó trẻ thường có rối loạn cảm giác. Nhiều trẻ tự kỷ có kèm theo tăng động và trí tuệ kém.

Rối loạn phổ tự kỷ trẻ em xuất phát từ não bộ của trẻ vì có rối loạn phát triển thần kinh (như có thay đổi cấu trúc tiểu não, thùy trán, thùy thái dương, thiếu hụt hoạt hóa cấu tạo lưới, bất thường về sinh hóa thần kinh) do có những gen bất thường. Tuy nhiên những vấn đề nêu trên vẫn đang là giả thuyết.

Tỉ lệ chẩn đoán trẻ mắc tự kỷ trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên với tần suất gặp 1/100 trẻ, trong đó tự kỷ điển hình chiếm 16,8%. Trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái từ 4 đến 6 lần.

Rối loạn phổ tự kỷ gồm nhiều chẩn đoán đơn lẻ: tự kỷ (thông thường), rối loạn phát triển lan tỏa không được chỉ định khác (PDD-NOS) và hội chứng Asperger.

Các dấu hiệu trẻ tự kỷ nhẹ

Tự kỷ có thể bắt đầu ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, nhưng cũng không ít trường hợp phát triển bình thường cho đến năm 3-4 tuổi mới hình thành các triệu chứng. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn có thể nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ tự kỷ nhẹ qua một số khía cạnh, bao gồm: Khả năng giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội.

Thiếu hụt kỹ năng giao tiếp

Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn về lời nói và ngôn ngữ, dẫn đến nhiều hạn chế trong giao tiếp. Dù mỗi trẻ tự kỷ có các kỹ năng giao tiếp khác nhau nhưng phần lớn đều chậm hoặc kém hơn so với độ tuổi.

Ở khía cạnh này, các dấu hiệu trẻ tự kỷ nhẹ gồm:

  • Chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ.
  • Nói nhại lời, diễn đạt kém, nói ngược.
  • Không biết đặt câu hỏi, không thể trả lời các câu hỏi đơn giản như “Con tên gì?” “Con mấy tuổi?”
  • Lặp đi lặp lại một từ hoặc cụm từ nhất định nhưng không hiểu nghĩa.
  • Không dùng cử chỉ, điệu bộ để diễn tả nhu cầu, mong muốn của bản thân.

https://quantri.nhidong.org.vn/UploadImages/bvnhidong/PHP06/2020_9/tk2.jpg

Giảm tương tác xã hội

Một trong những dấu hiệu trẻ tự kỷ nhẹ mà phụ huynh có thể nhận biết sớm là giảm tương tác xã hội. Đây cũng là vấn đề cơ bản mà hầu hết trẻ tự kỷ mắc phải và khác biệt rõ ràng so với trẻ bình thường, bao gồm:

  • Ít hoặc không giao tiếp bằng mắt.
  • Thường có xu hướng chỉ thích chơi một mình, ít tương tác với bạn cùng lứa hoặc chạy theo trẻ khác một cách vô thức.
  • Ít đáp ứng khi được gọi tên.
  • Ít hoặc không có những cử chỉ điệu bộ để giao tiếp như chào, tạm biệt, lắc đầu, ạ, xua tay…
  • Ít cười đáp lại, ít để ý đến thái độ của người khác.
  • Không thích chia sẻ niềm vui, nỗi buồn hoặc sở thích của bản thân

Hành vi, sở thích bất thường

Bất thường về hành vi, sở thích cũng là một dấu hiệu cảnh báo trẻ tự kỷ. Trong một số trường hợp, trẻ bình thường cũng có những hành vi mà trẻ tự kỷ thường có như đi kiễng gót, quay bánh xe… Tuy nhiên, các dấu hiệu trẻ tự kỷ nhẹ sẽ rõ ràng và lặp lại một cách thường xuyên. Cụ thể:

  • Trẻ có những hành vi định hình như quay tròn người, ngắm nhìn tay, nhìn nghiêng, lắc lư người, vỗ hoặc vẫy tay…
  • Trẻ luôn cầm hoặc nắm một thứ gì đó trong tay như bút, que, giấy, búp bê…
  • Thói quen rập khuôn: gõ đập đồ chơi, chỉ thích một bộ phận của đồ chơi, xếp các thứ thành hàng, đi về theo đúng một đường…

Ngoài những biểu hiện ở trên, trẻ tự kỷ nhẹ còn đi kèm một vài vấn đề khác, chẳng hạn: hiếu động quá mức, luôn tay luôn chân hoặc rất khó ngủ.

Nguồn (tài liệu tham khảo)

  1.  Abraham M.C (2002), Addressing Learning Differenes Sensory Intergration, Frank Schaffer Publications, Michigan, U.S.A.
  2.  American Spychiatric Association (2003), Quick Reference to the Diagnostic Criteria From DSM – IV – TR ™, Washington DC, APA.
  3.  Autism Society of America (2004), What is autism ? Retrieved February 1, 2004.
  4.  Autistic Association of New South Wales, Visual timetables.
  5. Steven Gutstein.Ph.D (2009), Activities for young children, Connect 4130 Bellaire Blvd, Suite 210, Houston, Taxas 77025, USA

Thông tin website

TRƯỜNG MẦM NON NGÔI SAO (NEWSTAR)
+ Người chịu trách nhiệm nội dung website: ThS. Nguyễn Khánh Hướng

Địa chỉ: Số 32 ngõ 204 Trần Duy Hưng - Hà Nội.
Điện thoại: (024) 38343168 - Hotline: 0912 128866.
Email: newstar.eduvn@gmail.com
Website: http://newstar.edu.vn

Ghi rõ nguồn "newstar.edu.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Sơ đồ đường đi